Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

THÁI ĐỘ THEO CHÚA







Thứ Hai 30-6-2014

Tin Mừng Mt 8,18-22

18 Khi ấy, thấy xung quanh có đám đông, Đức Giê-su ra lệnh sang bờ bên kia. 19 Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng : “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” 20 Đức Giê-su trả lời : “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

21 Một môn đệ khác thưa với Người : “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.” 22 Đức Giê-su bảo : “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.”


Suy niệm

Hôm nay bài Tin Mừng thuật lại chuyện có một môn đệ muốn theo Đức Giêsu, nhưng anh ta xin được về chôn cha trước đã. Đức Giêsu đã không chấp nhận thái độ đó và nói: “Con hãy theo Ta, và hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”.


Trong Tin Mừng, một môn đệ muốn theo Chúa Giêsu nhưng xin về nhà chôn cất cha già. Thực ra, không phải là cha anh vừa chết, nhưng ý anh muốn ở nhà đến khi cha anh chết, mai táng xong rồi anh sẽ đi theo Chúa. Anh muốn theo Chúa nhưng còn lưỡng lự, đặt việc khác ưu tiên hơn.


Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ và tất cả những ai muốn theo Ngài một thái độ từ bỏ, dứt khoát tận căn; Ngài không bao giờ chấp nhận bất cứ một thỏa hiệp nào. Qua những đòi hỏi ấy, Chúa Giêsu muốn nhắc lại cho chúng ta giới răn cơ bản: mến Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực. Đây không phải là một điều không tuởng, cũng không phải là một lý tưởng cao vời, mà là một mệnh lệnh. Quả thật, con người chỉ thực sự đạt được ơn gọi làm người của mình khi họ sống trọn vẹn cho Thiên Chúa; con người chỉ thực sự hạnh phúc khi họ thuộc trọn về Ngài. Những việc làm như hy sinh, hãm mình, khổ chế, chỉ thực sự có ý nghĩa và giá trị, nếu được chúng ta thực thi là những cố gắng dốc cạn chính mình để sống tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa, và đó cũng là mục đích cuộc đời người Kitô hữu.


Chúa đòi người môn đệ phải làm theo thánh ý của Thiên Chúa trên hết tất cả ý của con người, bao gồm ý của cha mẹ, như Ngài đã từng dạy: Tiên vàn, các con hãy lo tìm Nước Thiên Chúa trước, còn mọi sự khác, Ngài sẽ quan phòng lo liệu cho các con sau. Khi phải chọn lựa giữa việc đi theo Thiên Chúa và việc ở nhà phụng dưỡng cha mẹ, con người phải chọn Thiên Chúa trước theo như giới răn thứ nhất dạy. Tuy thế, Thiên Chúa không thua lòng quảng đại của con người, Ngài sẽ lo liệu để có người chăm sóc cho cha mẹ. Cứ coi việc các linh mục khi đã hiến thân theo  Chúa, thì ông bà cố các ngài vẫn có kẻ chăm sóc.


Lạy Chúa Giêsu, để xứng đáng là môn đệ Chúa, xin cho chúng con biết dứt khoát sống theo ý Chúa, và luôn tin tưởng cuộc sống của gia đình chúng con đã có Chúa quan phòng. “Vì không có Chúa thì không có gì cả”. Amen


Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

LỄ KÍNH HAI THÁNH PHÊRÔ & PHAOLÔ TÔNG ĐỔ







Chủ Nhật 29-6-2014

Tin Mừng Mt 16,13-19

13 Một hôm, khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta nói Con Người là ai ?” 14 Các ông thưa : “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức Giê-su lại hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giê-su nói với ông : “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy ; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”


Suy niệm

 Tin Mừng hôm nay cho thấy, sau một thời gian rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa Giêsu muốn biết xem người ta nhận định thế nào về thân thế và sứ mạng của Người, nên Người mới hỏi các môn đệ: “Người ta bảo con người là ai ?” (Mt 16,13).

Câu hỏi này như một hình thức trắc nghiệm về niềm tin. Dân chúng trả lời mỗi người mỗi cách, nhưng tất cả đều không chính xác. Chỉ có lời tuyên tín của Phêrô, “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16) là câu trả lời làm Chúa Giêsu hài lòng nhất. Nếu cho điểm, có lẽ Phêrô đã đạt điểm tuyệt đối, điểm 10. Ngay sau đó Chúa Giêsu đã cúi xuống để nâng Phêrô lên một địa vị đặc biệt. Chúng ta biết lúc ấy Phêrô đang mang cái tên cúng cơm, tên thường gọi là Simon. 


Chúa Giêsu đã long trọng đặt tên mới cho ngài là Phêrô, tiếng Dothái là Kêpha, nghĩa là đá. Là đá, bởi vì chúng ta biết rằng trong Cựu Ước, hình ảnh đá là hình ảnh hết sức kiêu hùng, hết sức cao vượt. Đá ở đây chính là hình ảnh, là biểu tượng của Thiên Chúa. Bởi thế mà người Do Thái mỗi lần cầu nguyện, họ thường nói với Chúa rằng : Lạy Chúa, Ngài là Đá Tảng con nương nhờ; Ngài là Thạch Động, là Núi Đá cho con ẩn mình; Ngài là Đá Cứu Độ…. Được Chúa lấy tên đó mà đặt cho mình, hẳn là Simon Phêrô rất hãnh diện. Và cũng chính qua tên đó mà Phêrô được gởi cho một căn tính mới, một lý lịch mới. Vì chưng đối với người Dothái, cái tên luôn gắn liền một sứ mạng. Cái tên mới đồng nghĩa với sứ mạng mới  Sứ mạng mới ở đây là làm nền tảng cho Giáo hội Chúa Kitô : “Con là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy” (Mt 16,18). 


Thế còn thánh Phaolô thì sao ?  Thực sự thì Chúa Giêsu không đặt tên cho Phaolô. Phaolô là cái tên Hylạp của ngài; còn Saolê là tên gọi theo tiếng Do Thái. Tuy nhiên, một điều cần ghi nhận là ngài được chính Chúa Giêsu trực tiếp chọn gọi trên đường đi Đamas, và đích thân Chúa Giêsu trao sứ mạng cho ngài, một sứ mạng cao cả là làm tông đồ cho dân ngoại. Như vậy thánh Phaolô đã cùng với thánh Phêrô giữ vai trò là hai trụ cột, hai viên đá sống động làm nền cho Giáo hội Chúa Kitô. Giờ đây, Chúa Giêsu có thể hoàn toàn yên tâm trước sứ mạng mà Người đã giao phó cho hai vị. Nhờ đá tảng Phêrô mà tòa nhà Giáo hội được nên kiên vững; nhờ đá tảng Phaolô mà Hội thánh Chúa Kitô được mở rộng cho muôn dân nước.


Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn hai thánh Phêrô và Phaolô làm cột trụ của giáo hội , xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxico đương nhiệm được noi gương các ngài mà luôn khôn ngoan, can đảm và đạo đức, để chăm sóc  giáo hội  được bền vững như ý Chúa mong muốn. Amen


Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ






Thứ Bảy 28-6-2014

Tin Mừng Lc 2, 41-52

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrsalem để tìm Người.

Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta.


Suy niệm

Hôm qua, Giáo Hội mời gọi chúng ta kính Thánh Tâm Chúa Giêsu để chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta. Hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta hướng về trái tim vô nhiễm của Đức Maria, một trái tim của một thụ tạo luôn hướng về Thiên Chúa và sẵn sàng cho mọi ý định của Thiên Chúa.

Chúng ta còn nhớ thảm họa chìm phà Sewol ở Jindo, Hàn Quốc ngày 16/4 đã cướp đi sinh mạng của hơn 400 hành khách trong đó có 324 học sinh trung học. Thân nhân của các em, trong đó rất nhiều bà mẹ, đau đớn than khóc vì mất con; họ chỉ  mong tìm lại được thân xác con mình đang chìm trong làn nước giá lạnh của biển cả. Đức Maria cũng thổn thức trái tim của người mẹ khi phải “cực lòng đi tìm” con yêu dấu bị lạc mất. Đức Maria chưa kịp bày tỏ niềm vui khi tìm lại được con thì Đức Giêsu lại hé mở cho Mẹ thấy việc “lạc mất con” còn mang một ý nghĩa thiêng liêng mầu nhiệm: con phải làm tròn việc “bổn phận trong nhà Cha con”. Mẹ được chuẩn bị để đón nhận việc “ mất con” trong cuộc Thương Khó của Đức Giêsu sau này. Trong lần này, trái tim Mẹ cũng đau đớn khi thấy Con mình bị treo trên thập giá, nhưng trái tim Mẹ đã đồng cảm với trái tim Chúa Giê-su để cùng với Con mình làm tròn  bổn phận Chúa Cha trao phó là cứu chuộc toàn thể nhân loại.

Đức Maria khi lạc Chúa Giêsu đã phải cất công đi tìm Con mình dù phải vất vả mệt mỏi thể xác, nhưng Mẹ vẫn không bỏ cuộc. Còn chúng ta, có khi nào cũng bị lạc mất Chúa như khi bị đánh mất niềm tin, và khi đó có chịu khó tìm kiếm Ngài để Ngài ban thêm sức mạnh tâm linh, để thoát khỏi sự tuyệt vọng trong đời sống đức tin của mình?


Lạy Mẹ Maria, trái tim Mẹ đã từng đau khổ khi thấy Con Mẹ bị treo trên thập giá, chắc Mẹ cũng không tránh khõi những nỗi đau đớn. Nhưng Mẹ không tuyệt vọng, vì tin chắc đó là thánh ý Chúa Cha muốn vậy đẻ cứu độ nhân loại. Xin cho chúng con đừng đánh mất niềm tin vào Chúa Giêsu Đấng ban ơn cứu chuộc chúng con và những ai tin vào Ngài. Amen


Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU-NGUỒN MẠCH TÌNH YÊU






Thứ Sáu 27-6-2014

Tin Mừng Mt 11, 25-30

Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng nói rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mạc khải cho.

“Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.


Suy niệm

Tin mừng hôm nay chứa đựng những lời ngọt ngào, êm dịu của Chúa Giêsu. Ngài gởi đến chúng ta hai lời mời gọi sau đây:

 “Hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi”. Và “Hãy học cùng Ta vì ta hiền lành và khiêm nhường”. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu biết mọi con người đều phải vất vả và gồng gánh nặng nề, nên Ngài kêu gọi tất cả hãy đến với Ngài để được Ngài dạy dỗ và cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.

 Nơi trái tim bị đâm thâu với những giọt nước và máu cuối cùng chảy ra, Chúa Giêsu chứng thực rằng Ngài đã yêu nhân loại và Ngài yêu đến cùng; Ngài đã hiến thân chịu chết để cho nhân loại được sự sống đời đời, và trái tim Ngài là chỗ cho chúng ta dung thân trong những khi hoạn nạn mệt nhọc trên đường đời. Chiêm ngắm tình yêu của Đức Giêsu Kitô, Đấng chịu đâm thâu trái tim trên thập giá để cảm nhận được tình Ngài yêu thương tất cả và từng người chúng ta.

Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là một việc đạo đức nhằm kính thờ Trái Tim Chúa Giêsu, biểu hiệu cho Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, đối tượng chính của sự Tôn sùng là Tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu được Chúa mặc khải trong Cựu ước, và thực hiện trong đời sống của Chúa Giêsu ở trần thế. Tình yêu này cần phải được đền đáp bằng chính tình yêu của con người, là tạo vật do Chúa dựng nên; tuy hèn kém, bất xứng nhưng lại được Chúa đợi chờ. Như Chúa đã thốt lên lời “Ta khát” trước khi sinh thì trên thập giá.

Phương thế để tôn sùng Trái Tim Chúa Giê-su là siêng năng làm việc đền tạ. Việc đền tạ gồm hai phần chính: Một là giục lòng kính mến Chúa, thay cho những kẻ đã vô tình bạc nghĩa với Người. Hai là dâng những lời ngợi khen, ăn năn và cầu xin ơn tha thứ thay cho những kẻ đã dám cả lòng xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa.


Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin ban cho trái tim chúng con được giống Trái tim Chúa, để con biết yêu thương mọi người và sống khiêm nhường, để xứng đáng là những chiến sĩ của Thánh Tâm Chúa. Amen