Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

" CON NGƯỜI ĐẾN KHÔNG PHẢI ĐỂ GIẾT, NHƯNG ĐỂ CỨU CHỮA "






Thứ Ba 30-9-2014
Tin Mừng Lc 9, 51-56
Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?” Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”. Và các Ngài đi tới một làng khác.

Suy niệm
Hành trình cứu độ của Đức Giêsu là một hành trình tiến về Giêrusalem để chịu chết trong chương trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn. Trên hành trình ấy, Đức Giêsu đã tìm dịp thuận tiện để Thầy trò tâm tư về sứ mạng.

Thật vậy, một trong những điều mà Đức Giêsu quan tâm, đó là làm sao để cho các môn đệ có được tinh thần hy sinh, thái độ kiên trì trước nghịch cảnh và thử thách, khiêm tốn và tấm lòng bao dung, vị tha.

Đức Giêsu đã không chấp nhận thái độ trả thù của hai môn đệ Gioan và Giacôbê khi các ông xin Ngài cho phép khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt dân làng Samaria vì họ không cho Thầy trò đi qua. Nhân đây Đức Giêsu đã dạy cho các ông bài học về sự bao dung, tha thứ và biết đón nhận thử thách vì lòng yêu mến Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có thái độ cảm thông cho những nghi kỵ, khinh khi và cự tuyệt của người đời, ngay cả những sự vu khống, bắt bớ vì Đạo. Noi gương Đức Giêsu, sẵn sàng đón nhận đau khổ vì sứ vụ: “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12). Biết chấp nhận những sự giới hạn của con người, và ý thức rằng: chúng ta đi đến đâu cũng có một số người sống chết với ta, một số người quyết loại bỏ ta và số còn lại thì chẳng cần quan tâm đến chúng ta cũng như công việc của ta. Đây cũng chính là thân phận của Thầy Chí Thánh Giêsu đã trải qua.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tinh thần biết bao dung khi gặp những sự chống đối hay bỉ báng giáo hội, và đó là sự tử thách đối với chúng con khi làm việc tông đồ. Amen



Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

CÁC THIÊN THẦN CỦA CHÚA







Thứ Hai 29-9-2014

Tin Mừng (Ga 1, 47-51)

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: “Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanaen đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”.


Suy niệm

Các thiên thần của Thiên Chúa phục vụ Đức Kitô: Đức Giêsu lại bảo Nathanael: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."

Cụm từ "các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống" gợi lại thị kiến chiếc thang mà Jacob đã nhìn thấy trong một giấc mơ tại Bethel (Gen 28:12): Một đầu của chiếc thang này chạm đất nơi Jacob đang nằm ngủ, một đầu chạm tới trời cao, nơi Thiên Chúa ngự trị, và các thiên thần của Thiên Chúa đang lên lên xuống xuống trên chiếc thang đó. Truyền thống Do-thái tin tưởng các thiên thần là những sứ giả của Thiên Chúa. Họ giúp Thiên Chúa điều khiển vũ trụ bằng cách chuyển giao những gì con người mong muốn lên Thiên Chúa, và chuyển giao sứ điệp cùng ơn thánh từ Thiên Chúa xuống cho con người. Trong cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu với Nathanael hôm nay, Chúa Giêsu có ý muốn nói: Ngài là chiếc thang nối giữa trời và đất; trên thang đó, các thiên thần của Thiên Chúa sẽ lên lên xuống xuống để phục vụ con người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tấm lòng ngay thẳng, không gian dối quanh co, để tâm hồn chúng con xứng đáng là nơi Chúa ngự. Amen


Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

TỪ CHỐI NHƯNG LẠI LÀM, NHẬN NHƯNG KHÔNG LÀM





Chủ Nhật 28-9-2014

Tin mừng Mt 21,28-32


Một hôm, Ðức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất”. Ðức Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”.


Suy niệm

Từ lời nói đến việc làm có một khoảng cách rất gần, nhưng cũng thật xa. Có người nói hay nhưng chưa hẳn họ đã làm tốt; có người nói năng ngang tàng nhưng việc họ làm lại khiến chúng ta phải nể phục. Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ mỗi người chúng ta hãy biết điều chỉnh, sửa đổi để giữa tư tưởng, lời nói và việc làm phải có sự nhất quán. Vì lời nói hay sẽ chẳng có giá trị gì nếu không được hiện thực hóa bằng việc làm cụ thể.

Trong đời sống đạo không phải chúng ta chỉ dừng lại ở việc thưa con tin, thưa xin vâng, nhưng còn phải thực hành điều chúng ta tin như trong dụ ngôn mà Đức Giê-su đã kể cho các thượng tế và kỳ mục. Chúng ta thấy thái độ của người con thứ nhất mới đầu có vẻ ương bướng, nhưng sau đó anh đã hối hận và đi làm điều cha anh nói. Còn người con thứ hai tỏ thái độ mau mắn vâng lời cha, nhưng rồi anh ta lại không làm theo lời cha.  Cũng vậy, như trong dụ ngôn “Người con hoang đàng” đã cho thấy; người anh tưởng sống hiếu thảo với cha , nhưng  lại tỏ thái độ coi thường cha mình. Trong khi đó người em ăn chơi trác táng nhưng biết nhận ra lỗi lầm của mình, quay về xin cha tha thứ và có thái độ tôn trọng cha mình.


Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nhận ra lỗi lầm của chúng con,  biết sửa đổi cuộc sống, và làm theo ý Chúa. Amen


Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

CHÚA GIÊSU TIÊN BÁO VỀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA NGÀI





Thứ Baỷ 27-9-2014

Tin Mừng Lc 9, 44b-45

Đang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các mộn đệ rằng: “Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”. Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.'


Suy niệm

Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” (Lc 9,43-44). Đây là lời tiên báo về cuộc khổ nạn của Ngài.


Trên đời này chẳng ai chọn mang cái khổ vào thân. Nhưng “đời vốn là bể khổ,” con người “chạy trời không khỏi nắng” nên phải cam chịu mang lấy “kiếp nạn” ấy mà thôi. Vì thế cũng dễ hiểu tại sao các môn đệ Chúa Giê-su không hiểu lời Ngài nói: “Con Người sắp bị nộp”. Chúa tự nguyện vác khổ giá vì vâng phục ý Chúa Cha; Ngài đã biến khổ giá thành phương thế cứu độ nhân loại. Ngài cho các môn đệ biết chương trình hành động của Ngài để mời gọi họ cũng bước theo Ngài dám đón nhận thập giá để cộng tác vào công trình cứu độ.


Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương nhân loại Chúa đã chấp nhận khổ hình trên thập giá để cứu độ muôn người. Xin cho chúng con là những Kitô hữu cũng dám chấp nhận khổ đau để bước đi theo Chúa. Amen

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

CÒN ANH EM BẢO THẦY LÀ AI ?





Thứ Sáu 26-9-2014

Tin Mừng Lc 9, 18-22

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”. Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.


Suy niệm

 Chúa Giêsu muốn biết dư luận của dân chúng về Ngài, nên Ngài đã hỏi các môn đệ: "Dân chúng nói Thầy là ai?".

Các ông cho Chúa Giêsu biết những ý nghĩ của dân chúng về Ngài: kẻ thì cho là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì cho là Êlia, kẻ thì cho là một trong những ngôn sứ thời xưa đã sống lại.

Bây giờ, Chúa Giêsu muốn biết cảm nhận của chính các môn đệ về Ngài: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?". Và Phêrô đã đại diện cho cả nhóm nói lên cảm nhận về Thầy mình: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa".

“Anh em bảo Thầy là ai?” Đây là câu hỏi hệ trọng đến đời sống đức tin  mỗi người, không chỉ dành cho các môn đệ mà Chúa Giê-su còn đặt ra cho mọi người. Đây là câu hỏi đòi buộc tất cả phải trả lời. Câu trả lời không chỉ đến từ những kiến thức trong sách vở, mà còn phải đến từ kinh nghiệm đức tin cá nhân của mỗi người. Chỉ khi trả lời câu hỏi “Chúa là ai?” bằng kinh nghiệm đức tin của Giáo Hội và của mình, chúng ta mới sống đức tin vững mạnh, có thể giúp người khác hiểu biết Chúa Giê-su, và thờ phụng Ngài. Công cuộc tân Phúc Âm hóa đòi buộc ta làm mới lại đức tin của mình cũng vì lý do truyền giáo ấy.

  Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ơn hiểu biết về sứ vụ cứu độ của Chúa, khi vâng lời Chúa Cha  xuống thế để cứu chuộc chúng con và cả nhân loại. Nhờ đó chúng con mới có thể làm chứng nhân cho Chúa. Amen