Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

GƯƠNG CẦU NGUYỆN





Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2, một mẫu gương cầu nguyện.








Một gương sáng của vị Giáo hoàng yêu quý của chúng ta để lại là một đời sống kết hiệp sâu xa với  Thiên Chúa và lòng sùng kính Đức Maria. Trong năm Đức Tin, chúng ta được mời gọi củng cố mối thân tình với Con Thiên Chúa. Xin kể lại một vài chứng từ của Ngài để chúng ta thêm xác tín và bắt chước:



Trong bài giảng Lễ Phong Chân Phước Đức Gioan Phaolô II, Chúa Nhật ngày 01.5.2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã nhớ đến vị tiền nhiệm với lòng ngưỡng mộ: Công việc của tôi đã được nâng đỡ nhờ sự sâu sắc tâm linh và nhờ tri thức khôn ngoan phong phú của ngài. Tấm gương cầu nguyện của ngài không ngừng gây cảm kích và soi sáng cho tôi: ngài không ngừng kết hiệp thâm sâu với Thiên Chúa ngay cả khi lọt thỏm giữa bao yêu cầu của sứ vụ. Và cần phải kể đến chứng tá của ngài trong đau khổ nữa: Chúa đã dần dần rút đi khỏi ngài mọi sự, nhưng ngài vẫn cứ là “tảng đá”, như Chúa Kitô mong muốn. Lòng khiêm nhường sâu xa của ngài, cắm rễ trong mối gắn bó mật thiết với Đức Kitô, đã giúp ngài tiếp tục lãnh đạo Giáo Hội và trao cho thế giới một sứ điệp thậm chí càng hùng hồn hơn khi sức mạnh thể lý của ngài suy kiệt. Bằng cách này ngài đã sống trọn, một cách phi thường, ơn gọi của mọi Linh Mục và Giám Mục, đó là trở nên một hoàn toàn với Chúa Giêsu, Đấng mà ngài đón nhận và trao ban hằng ngày trong Bí Tích Thánh Thể.


Chứng từ của Đức Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận:

 Đức Thánh Cha là một người cầu nguyện, cầu nguyện không ngừng và tha thiết. Một ngày ngài vào Nhà Nguyện cầu nguyện đến 7 lần và nhất là cầu nguyện ban đêm. Ở Roma có Đức Hồng Y Deskur người Ba Lan, cùng lớp với Đức Thánh Cha, bị bại bán thân, đi đâu thì phải có người đẩy xe lăn đi.  Vì Đức Giáo Hoàng là bạn của tôi. Nên hồi còn làm Linh Mục, Giám Mục, rồi Hồng Y, mỗi khi đến Roma thì ngài đến trọ ở nhà tôi. Nhưng có nhiều lần tôi gặp ngài ban đêm và thấy ngài cứ nằm sấp, hai tay giang ra như hình Thánh Giá như vậy, nằm trên sàn đá ở nhà nguyện. Tôi sợ ngài đau, hoặc bị cảm, sưng phổi, nên tôi phải làm cái nền Nhà Nguyện bằng gỗ cho ngài nằm !”

Đức Hồng Y Thuận nhận xét: Đức Giáo Hoàng cầu nguyện luôn như vậy, cầu nguyện nhiều lắm, hoàn toàn tín thác, tin tưởng nơi Đức Mẹ. Vì thế, ngài không tiếc gì và không sợ gì, dám làm những chuyện mà người khác không dám làm”.



Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Thuận kể thêm: “Có lần tôi đi qua bên Mêhicô năm 1999. Đức Thánh Cha tới trước. Ngài đến để công bố Tông Huấn “Giáo Hội tại Mỹ Châu” ( Ecclesia in America ) và ngày cuối cùng, 26.1.1999, Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ giới trẻ ở sân vận động. Gặp xong, khi về nhà, Đức Thánh Cha nói với Đức Sứ Thần Tòa Thánh: “Mệt quá hè ! Thôi đi ngủ!”

Chính Đức Sứ Thần Tòa Thánh về sau thuật lại với tôi: “Lúc ấy tôi mệt quá sức, nên khi nghe Đức Thánh Cha nói “thôi đi ngủ !”, tôi mừng quá, vì tôi mệt rã người ra rồi... Tôi thì sợ không biết Đức Thánh Cha có thức dậy nổi không, nhưng ngài lại dặn dò tôi: “Sáng mai, nếu Đức Cha muốn đồng tế với tôi thì vào Nhà Nguyện, chúng ta đồng tế với nhau.”

Đức Sứ Thần kể tiếp với tôi: “Tôi về phòng, ngủ một giấc, ngủ say, sáng hôm sau, thức rồi mà chưa muốn dậy nữa ! Nhưng tôi phải lo, trước 8 giờ, tôi chạy tới phòng Đức Thánh Cha, thấy anh sĩ quan vệ binh Thụy Sĩ gác ở đó, tôi hỏi: “Anh có thấy Đức Thánh Cha chưa ?” – “Dạ có !” – “Anh thấy lúc nào ?” – “Thưa con thấy Đức Giáo Hoàng lúc 12 giờ đêm...” Tôi ngạc nhiên quá hỏi tiếp: “Vậy ngài đi đâu ?” – “Thưa đi Nhà Thờ ?” Tôi kinh ngạc hỏi lại: “Ngài đi Nhà Thờ lúc 12 giờ đêm ?” – “Dạ đúng, ngài đi lúc 12 giờ đêm” – “Vậy ngài có về phòng không?” – “Dạ không ! Ngài có dặn con rằng “Sáng mai, nếu Đức Sứ Thần Tòa Thánh đến tìm tôi, thì nói ngài vô Nhà Thờ, cha đợi ngài đồng tế !”

Đức Sứ Thần Tòa Thánh nói với tôi ( Đức Hồng Y Thuận ): “Mình mệt như vậy, mà Đức Giáo Hoàng thì thức cả đêm ! Lại vào Nhà Thờ ở với Chúa cả đêm.”

Và Đức Hồng Y Thuận kết luận: “Đối với Đức Thánh Cha, cầu nguyện như thế là chuyện bình thường. Anh chị em có gặp Đức Ông Trần Ngọc Thụ, hỏi ngài thì biết. Đức Thánh Cha thường vào Nhà Nguyện của ngài như thế nào” !

Chứng từ của Đức Hồng y Dziwis: Tôi đã tự hỏi mỗi ngày Đức Gioan Phaolô 2 cầu nguyện bao nhiêu giờ và lần bao nhiêu chuỗi hạt?- Tôi nghiệm ra rằng Ngài đã cầu nguyện suốt cả ngày sống. Ngài luôn có cỗ tràng hạt bên mình, nhưng nhất là Ngài luôn  kết hiệp với Chúa và chìm ngập trong Chúa.

Dù người ta không biết, Ngài luôn cầu nguyện cho những người đã đến gặp Ngài. Sau cuộc nói chuyện, Ngài thường cầu nguyện cho những người đã tiếp xúc và đã xin Ngài cầu nguyện (trên bàn làm việc của Ngài luôn có sẵn một danh sách những người cần cầu nguyện đã được cha thư ký ghi sẵn). Ngày sống của Ngài luôn bắt đầu với việc cầu nguyện, suy niệm và kết thúc với việc chúc lành cho thành Roma. Khi còn đi lại được, Ngài luôn đứng ở cửa sổ để chúc lành, và khi đã yếu nhọc Ngài luôn yêu cầu dìu đứng lên để nhìn và chúc lành cho Thành. Chúc lành cho dân chúng thành phố Roma và giáo phận của mình luôn là cử chỉ cuối cùng của một ngày sống.



Trên đây là chứng từ của ĐHY  FX Nguyễn Văn Thuận, nói về tầm gương cầu nguyện của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Ngài cầu nguyện không biết mệt mỏi. Bài Tin Mừng dưới đây, Chúa muốn dạy chúng ta về sự cầu nguyện trong tư thế của những người con Chúa. Và Thánh Giáo Hoàng cũng đã cầu nguyện như thế.


Thứ Năm 18-6-2015
Lời Chúa: Mt 6, 7-15
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:
      Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
      xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
      triều đại Cha mau đến,
      ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
      Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;      như chúng con cũng tha
      cho những người có lỗi với chúng con;
      xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
      nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
      xin tha tội cho chúng con

Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”



 Trong đời sống tâm linh, điều quan trọng nhất là cầu nguyện. Ai không cầu nguyện thì không còn là người Kitô hữu đích thực nữa! Cầu nguyện theo quan niệm thông thường là tiếp xúc với Thiên Chúa. Quan niệm một với Ngài.

Một trong những cách kết hợp mật thiết với Thiên Chúa cao hơn một chút, cầu nguyện là liên kết mật thiết với Thiên Chúa. Cao hơn nữa là hoà nhập và trở nên là sống trọn vẹn ý thức này: ý thức rằng Ngài là «cái gì đó sâu thẳm nhất» của bản thân mình, đúng như thánh Âu Tinh đã định nghĩa: «Deus intimior intimo meo» (Thiên Chúa còn thân thiết với tôi hơn cả chính bản thân tôi [thân thiết với tôi]). Lúc đó ta có thể cảm nghiệm được như thánh Phaolô: «Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Thiên Chúa sống trong tôi» (Gl 2,20).


Chúa mời gọi bạn đem những buồn phiền, lo âu, gánh nặng đến cho Ngài. Khi bạn làm điều này bằng tâm tình cầu nguyện tạ ơn, Ngài hứa sẽ ban an bình cho tâm hồn bạn.

 Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu. ( P 14: 6,7 ).


Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con cách cầu nguyện. Xin cho chúng con biết cầu nguyện thế nào để đẹp lòng Chúa, và tín thách vào Chúa những lời nguyện xin của chúng con, và tin l2 Chúa sẽ nhận lời. Amen








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét