Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

ĐỪNG HẬN THÙ






Vượt lên thù hận
Thứ hai, 22/12/2014 - 12:17 AM (GMT+7)


Từng phải chịu nhiều trận đòn tra tấn tàn độc, dã man, gây nên những vết thương khủng khiếp cho cơ thể, tưởng có thể khắc cốt, ghi xương. vậy mà, khi có cơ hội gặp lại kẻ Đã từng xuống tay hành hạ mình, thì lòng bao dung, vị tha lại vượt lên nỗi hận thù. Câu chuyện tưởng như chỉ có trong cổ tích ấy lại là sự thật với ông Vũ Minh Tằng (cựu tù Phú Quốc, nay đang sống tại Tiên Hào - Vụ Bản - Nam Định).
Ký ức kinh hoàng

Ông Tằng xung phong lên đường nhập ngũ ở tuổi 22 (năm 1962).Trong trận huyết chiến với kẻ thù tại hang Đá Chẹt (Quảng Ngãi), ông bị hơi ngạt, ngất đi, lúc tỉnh lại đã thấy mình nằm trong bệnh viện ở QuyNhơn (Bình Định). Vừa tỉnh dậy địch đã lấy lời khai rồi đưa ông và đồng đội ra nhà tù Phú Quốc. Cuộc đời người chiến sĩ Cộng sản từ đó phải nếm trải những đòn tra tấn vô cùng tàn bạo của kẻ thù.

Trong nhà tù Phú Quốc, ông Tằng là Bí thư Chi bộ của Phân khu A2 gồm 1.800 tù nhân -chiến sĩ. “Năm 1971, tôi tổ chức anh em vượt ngục. Gần 100 chiến sĩ “độn thổ” từ phòng giam ra ngoài, phối hợp với dân chài vượt biển vào đất liền. Tổ chức được cho anh em chạy xong thì trời sáng, lại bị mấy đứa “gián điệp” địch cài vào đóng giả tù nhân tố cáo, thế là tôi bị chúng đem đi tra tấn”, ông Tằng kể.

“Cai ngục Trần Văn Nhu dùng một ống tuýp sắt dài, gọi là “gậy biệt ly” và một chiếc vồ gỗ lớn, gọi là “vồ sầu đời” tra tấn tôi. Nó bắt tôi há miệng, bảo: “Tao xin cái răng, mày cho tao cái nào?”. Tôi tức quá, bảo“gậy của mày, mạng tao trong tay mày, mày lấy cái nào thì cứ lấy”. Nhu dùng tuýp sắt ghè thẳng vào miệng tôi, một cái răng gãy, máu tuôn xối xả, nó bắt tôi uống hết máu, giọt nào chảy ra ngoài miệng là nó giết. Tôi không nuốt được cái răng dài gồm cả chân răng nhọn hoắt, nó cho quân cảnh xả nước vào miệng tôi. Lần lượt, chín cái răng chui vào bụng tôi trong một buổi tối tra tấn. Bụng tôi chướng, tức anh ách. Tôi ngất đi, khi tỉnh lại thì Nhu dùng “vồ sầu đời” tiếp tục đập. Không cho tôi ngất, hắn “hà hơi tiếp sức” cho tôi tỉnh rồi lại đánh tiếp”, giọng ông Tằng nghẹn lại.

Ông Tằng được trao trả theo Hiệp định Pa-ri sau tám năm “nếm” đủ mọi trò tra tấn ở nhà tù Phú Quốc.Về lại quê Tiên Hào (Vụ Bản, NamĐịnh), ông chỉ nặng 23kg. Kỷ vật ông mang từ Phú Quốc về là tám chiếc răng giắt trong cạp quần, do ông cố tình tìm lại. “Tôi không tin là tôi còn có thể sống được, nhưng may mắn sống mà trở về, thì tôi sẽ giữ những chiếc răng này để làm kỷ niệm về một thời không thể nào quên...”, ông Tằng nói.

Nơi quê nhà, ông Tằng vừa phụ vợ quanh quẩn ruộng đồng nuôi nấng các con, vừa chăm sóc người em trai bị ngã gãy cột sống, mất trí từ năm 13 tuổi. Cứ hễ trái nắng, trở trời là người ông chỗ nào cũng lục khục, đau đớn. Đến tận năm 2010, sau gần 40 năm chịu đựng biết bao cơn đau đớn, ông Tằng mới có điều kiện đi bệnh viện khám kiểm tra toàn bộ cơ thể mình. Mảnh đạn R15 vẫn nằm ở hốc mắt bên phải, sờ tay cũng thấy, nhưng nếu đụng dao kéo vào là mù. Đôi mắt phải gắn với cái kính 13 độ mới lờ mờ nhìn thấy được. Hộp sọ bên phải thì bị vỡ xương chũm, màng nhĩ thủng, tai bên phải điếc hoàn toàn. Hai xương sườn bên trái bị gãy, bốn đốt xương sống bị nứt và chẻ vỡ... Tất cả đều là di chứng của những trận đòn tàn độc của đám quân cảnh ở nhà tù Phú Quốc. Đặc biệt hơn cả, các bác sĩ đã giúp ông tìm lại được cái răng thứ chín, hóa ra, nó vẫn nằm im trong bụng ông suốt 40 năm qua. Thế là, ông Tằng mang nốt cái răng ấy lên tặng cho Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày ở Phú Xuyên, Hà Nội.

Yêu thương và vị tha

Ông Tằng luôn căm thù Bảy Nhu, kẻ đã trực tiếp tra tấn ông với đủ những trò tra tấn dã man. Khi biết Bảy Nhu còn sống, ông càng căm giận. Trước ngày “được” ra đảo để tìm gặp Bảy Nhu, ông Tằng nói với vợ: “Bà ở nhà, tôi lên chỗ bảo tàng xin lại tám cái răng (khi đó ông Tằng chưa kịp đem cái răng thứ 9 lên tặng Bảo tàng -PV), đem vào cho thằng Nhu xem, kẻo vào gặp nó lại cãi bay cãi biến”.
Nhắc lại cuộc gặp với Bảy Nhu bốn năm trước, ông Tằng cứ cười móm mém, ông bảo bấy giờ mọi người trong ban tổ chức cuộc gặp đã phải làm “công tác tư tưởng” cho ông rất nhiều, vì lòng căm thù trong ông quá lớn. Lúc gặp Bảy Nhu, vẫn rất căm giận, ông hỏi: “Bác Nhu ơi, tại sao bác lại ác đến mức đập vỡ đầu, đục gần hết răng, nghiền nát hai xương bánh chè ở đầu gối tôi như thế.   Đay nghiến, căm phẫn là thế, nhưng khi thấy Bảy Nhu già cả, lẫn cẫn, lại nghe Bảy Nhu day dứt về kiếp phận mình khi đã ở cuối đời: “Tôi bị chúng nó xui khiến và ép buộc phải làm. Lúc đánh các ông, tôi như con chó săn, như cái thằng điên ấy chứ có biết gì đâu. Đời tôi sống được đến giờ là nhờ ăn chay, niệm Phật...”.

Nghe thế, ông Tằng lại thấy thương cái con người đã từng là kẻ thù không đội trời chung ấy... Để rồi cuối cuộc gặp tưởng như chỉ toàn là hận thù, ông Tằng đã rút trong túi ra, đưa cho Bảy Nhu ít tiền và dặn dò:“Tôi có mấy đồng, để bác mua thêm một chén thuốc dưỡng bệnh...”.Ai đó từng nói, bản chất của con người là ích kỷ và vô tình, cho nên người ta phải lấy tình yêu thương, lòng vị tha và sự bao dung làm thước đo phẩm giá con người. Câu chuyện của người cựu tù Vũ Minh Tằng đã cho tôi thấm thía về lòng bao dung, sự vị tha cao cả và đẫm đầy nhân văn ấy!

Trên đây là câu chuyện thời sự, xảy ra trong thời chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam trước năm 1975. Có thể nội dung được thêm bớt để khích động lòng thù hận nơi người khác. Nhưng dẫu sao cũng đã nói lên tính bao dung của con người khi họ được khơi dậy bởi con tim của mình. Và nó cũng phản ảnh vè nội dung bài Tin Mừng dưới đây.

Thứ Hai 15-6-2015
Lời Chúa: Mt 5,38-42
38"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. 39Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. 40Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. 42Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác. (Mt 5,38)


Trong đoạn Phúc Âm này, Chúa Giêsu Kitô đã nói lên những đặc tính cao cả tuyệt đỉnh của giới răn Yêu Thương của Kitô giáo. Tình yêu Kitô giáo phải vượt ra khỏi giới hạn và mức độ. Tình yêu thương mà Chúa Giêsu Kitô đòi hỏi không thể đo lường được bằng bất cứ một cách thức nào vì tình yêu thương ấy phát xuất từ chính tình yêu thương của Thiên Chúa. Giới răn yêu thương của Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ buộc đền trả cho công bằng: 'Mắt đền mắt, răng đền răng', nhưng còn vượt quá mức của sự công bằng đòi hỏi nữa: đó là: “không chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa.” Thật là một lệnh truyền khó thực hiện. Đối đầu với kẻ hung ác làm sao chúng ta có thể chịu đứng yên được? Không chống cự lại người ta sẽ cho mình là ngu dại, là nhát gan. Thế mà Chúa dạy chúng ta đừng chống cự lại kẻ hung ác.
Chúng ta nghe Chúa dạy tiếp: “Ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa.” Như vậy, ai muốn tước đoạt cái gì của chúng ta, hãy cho họ tất cả.  Chiếc áo choàng diễn tả phẩm giá và nhân vị của người ấy. Thế mà Chúa dạy hãy sẵn sàng để cho người ta tước đoạt luôn chiếc áo choàng. Philatô đã cho lột trần Chúa Giêsu để chịu một trận đòn đầy dã man không thể diễn tả được. Hêrôđê đã lột áo Ngài ra, mà còn mặc chó Ngài chiếc áo trắng dấu chỉ là một con người điên khùng. Chúa Giêsu cũng đã bị lột cả áo trong lẫn áo choàng và bị đóng đinh trên thập tự như một tội nhân trọng phạm.  Chúa Giêsu dạy hãy hiền lành chịu nhường cho người ta phần thắng.






                                                                                          
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một tấm lòng biết bao dung, để chúng con biết tha thứ cho kẻ làm hại mình, và cầu nguyện cho họ để Chúa biến đổi con người họ được tốt hơn.  Amen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét