Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

GIUDA KẺ PHẢN BỘI






Thứ Ba 31-3-2015

Tin Mừng Ga 13,21-33.36-38

21 Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: "Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy". 22 Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. 23 Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. 24 Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: "Hỏi xem Thầy nói về ai đó". 25 Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: "Thưa Thầy, ai vậy?" 26 Chúa Giêsu trả lời: "Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó". Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. 27 Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: "Con tính làm gì thì làm mau đi". 28 Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. 29 Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. 30 Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối. 31 Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! 33 Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do Thái: 'Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được', nay Thầy cũng nói với các con như vậy".

36 Simon Phêrô hỏi Người: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu?" Chúa Giêsu trả lời: "Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy".

37 Phêrô thưa lại: "Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy". 38 Chúa Giêsu nói: "Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần".



Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại biến cố đã xảy ra cho Chúa Giêsu nhân dịp lễ Vượt Qua của Ngài trên trần gian này. Cả đến lúc đó, sau một thời gian dài huấn luyện các tông đồ, và chính Ngài đã chọn lựa các ông, thế mà Chúa Giêsu còn bị Giuđa phản bội, hay Phêrô đã ba lần chối Thầy mình. Phần Chúa Giêsu, Ngài không nao núng, không bỏ cuộc, mặc dù Ngài bị phản bội, bị xúc phạm. Và giờ Ngài được Thiên Chúa Cha tôn vinh là chính giờ này mà Ngài được sinh xuống trần gian: "Bây giờ Con được vinh hiển và Thiên Chúa Cha được vinh hiển nơi Người".

Là tín hữu, ai cũng biết câu truyện về Giuđa phản bội. Còn Đức Giêsu lại rất hiền từ trước con người này. Ngài còn bình tâm nhắc nhở: “Thầy bảo thật các con, có một người trong các con sẽ nộp Thầy”(Ga 13,21).

Đức Giêsu đã thấy trước những việc sẽ xảy ra nhưng Ngài sẵn sàng đón nhận, vì đây chính là ý Chúa Cha, là đường mà Ngài phải đi để cứu độ con người. Dù có môn đệ phản bội, nhưng cũng không vì thế mà ngăn cản được Ngài không yêu thương họ.

Ngài thật tế nhị khi nhắc: Giuđa con muốn làm gì thì làm đi, con lấy cái hôn để nộp Thầy sao?, chính con nói đó. Nhưng phóng lao thì phải theo lao, Giuđa không quay đầu trở lại được, vì lương tâm đã đen tối, sai lầm. Đang khi ấy, Phêrô thì quay đầu lại được khi nhìn lên Chúa Giêsu lúc gà gáy. (Ga 13,21-33.36-38)



Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng bao giờ phản bội Chúa, đừng bao giờ chối bỏ đạo thánh Chúa, vì Chúa đã thiết lập bởi giá máu của Chúa. Amen






Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

LÒNG YÊU MẾN CỦA CÔ MARIA ĐỐI VỚI CHÚA






Thứ Hai 30-3-2015
Tin Mừng Ga 12, 1-11
Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà. Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: "Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?" Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: "Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu".
Có đám đông người Do-thái biết Người đang ở đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết được Người cho sống lại. Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu
Suy niệm
Người ta chỉ nhỏ vài giọt dầu thơm lên người để “lấy hương lấy hoa;” chẳng có ai đổ nguyên cả bình dầu thơm, lại là dầu thơm cam tùng hảo hạng, lên chân người khác. Thế nhưng, đó là điều cô Maria đã làm để bày tỏ lòng trân trọng và quý mến của cô với Đức Giêsu. Maria đổ nguyên cả bình dầu thơm mà không tính toán, cũng chẳng tiếc nuối, vì cô muốn dành cho Đức Giêsu những gì quý giá nhất của gia đình mình. Lượng dầu thơm quý giá chảy trên chân Ngài chẳng thấm vào đâu so với ơn nghĩa, tình yêu quá lớn Ngài đã dành cho gia đình cô.
Chúng ta không hiểu tại sao cô xức chân Thầy thay vì đổ dầu thơm trên đầu. Người ta không xức dầu thơm lên chân một người còn sống, nhưng người ta có thể xức lên chân một người đã qua đời để chuẩn bị cho việc mai táng người ấy. Cô Maria không ngờ mình đã làm một hành vi có tính tiên tri về cái chết của Thầy, như trước đây thượng tế Caipha đã vô tình nói tiên tri về cái chết ấy (Ga 11, 51). Cô không ngờ việc xức dầu tối nay của mình là cử chỉ tượng trưng cho việc liệm xác Thầy Giêsu sau này của ông Nicôđêmô với một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương (Ga 19, 39).

Trước tấm lòng kính trọng, yêu mến của cô Maria đối với Chúa. Giuđa đã để lộ chân tướng hẹp hòi, ích kỷ của mình. Ông bực tức, phản đối hành động của cô Maria. Ông che đậy lòng tham của mình viện cớ để số tiền ấy giúp người nghèo. Ông quí bình nước hoa hơn thương kẻ nghèo. Nhưng sau đó ông đã sa ngã bán Chúa 30 đồng bạc.

Năm Tân Phúc Âm Giáo xứ và Cộng Đoàn Sống Đời Thánh Hiến. Chúng ta cầu xin cho cộng đoàn các Giáo xứ, đặc biệt những người sống đời thánh hiến luôn biết sống cao thượng,  đừng để mình ham mê tiền bạc đến nỗi quên mất tình người, quên Chúa và phản bội Chúa như Giuda.

Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để tiền bạc làm chủ chúng con, nhưng hãy ban cho chúng con lòng kính mến Chúa trên mọi sự, vì khi có Chúa là chúng con có tất cả. Amen




Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

CHÚA VÀO THÀNH GIÊRUSALEM ĐỂ CHỊU ÁN TỬ






Chúa Nhật Lễ Lá 29-3-2015

Tin Mừng Mc 14,1-15,47

Suy niệm

Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh, Đức Giêsu long trọng vào thành thánh Giêrusalem.  Phụng vụ Tuần Thánh mời gọi chúng ta đọc lại và nhất là sống hiệp thông cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, theo Tin Mừng Máccô (Mc 14, 1-15, 47) ngày Lễ Lá và theo Tin Mừng Gioan ngày Thứ Sáu Thánh (Ga18,1-19,42).   Sách tiên tri Isaia (Is 50, 4-7), Thánh vịnh 21 và Thư Philípphê (Pl 2, 6-11) chuẩn bị chúng ta đón nhận Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, vui lòng thi hành ý Cha, chấp nhận từ bỏ chính mình, kể cả mạng sống mình, tự hạ vâng phục Cha, chịu đánh đòn và chịu chết vì tình yêu cứu chuộc nhân lọai.  


Chúa Giêsu đi vào cuộc thương khó, kết quả của quyền lực thế gian, các liên minh của sự dữ, của ác tâm, của ganh tỵ, của thù hận, của lừa thầy phản bạn, của quyền lợi cá nhân, của hèn nhát ích kỷ, tất cả nhào nặn lên guồng máy đen tối để ám hại Đức Giêsu.  Những nhân vật điển hình như, Caipha, Hêrôđê, Philatô, hàng lãnh đạo Do thái, quân đội Rôma, dân chúng ô hợp, cộng với lý do chính trị và tôn giáo, hận thù và ghen tương, chúng đan quyện nhau, đẩy Đức Giêsu đến bản án tử hình.  Một liên minh ma quỷ, của sự Dữ, của sự Chết xem ra đã thắng thế.


Nơi cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta không chỉ học được bài học khiêm nhu, bài học tự hạ, bài học hạt lúa mì gieo xuống đất mục nát đi để sinh nhiều bông hạt, nhưng chúng ta còn học được bài học vâng lời, bài học yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân, bài học của sự tha thứ, tất cả những thứ ấy đã tạo nên chiến thắng qua vinh quang phục sinh được chiếu tỏa rạng ngời.  Con đường dẫn đến vinh quang chính là con đường thập giá.  Đây cũng là bài học cho mỗi chúng ta: không chạy trốn gánh nặng trách nhiệm. 


Lạy Chúa Giêsu,nhìn bề ngoài thì có vẻ Chúa là con người thất bại, Chúa đã không làm một phép lạ nào để người ta nhận ra Chúa là Thiên Chúa; điều đó cũng dễ hiểu, vì Chúa không muốn tự đề cao cái tôi của mình. Nhưng chính Chúa Cha đã chứng minh cho thế gian thấy Chúa là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật khi Chúa sinh thì trên thập giá, thì trời đất tối tăm, sấm chớp xảy ra và màn trong đền thờ bị xé toạc làm 2 mảnh. Xin cho chúng con luôn vững tin và theo Chúa đến cùng như thánh Gioan và Đức Mẹ dưới chân thập giá vậy. Amen


Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

CHÚA GIÊSU ĐẤNG CHẾT THAY CHO NHÂN LOẠI





Thứ Bảy 28-3-2015
Tin Mừng Ga 11, 45-56
Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: "Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta". Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: "Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt". Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối.
Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: "Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?" Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.
Suy niệm
Chúa Giêsu chết thay cho tòan dân: Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caiaphas, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt." Có một sự trùng hợp giữa những gì Caiaphas nói và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa: Chúa Giêsu phải chết để tòan dân được hưởng ơn cứu độ.

Phải chết thay người khác có thể là một hành động do hận thù bất công, nhưng với tình yêu Chúa, người Kitô hữu có thể hiến mạng sống mình cho người khác. Chính Chúa Giêsu đã trải qua kinh nghiệm này: những người Do Thái không tin đã bắt Chúa phải chết thay để người Rôma khỏi hủy diệt dân tộc Do Thái,nhưng trong chương trình cứu độ, Ngài đã chấp nhận hiến mạng sống mình để mọi người được sống.

Những người Do Thái đã nhìn hành động của Chúa theo mầu sắc chính trị. Họ đã thắc mắc: “Ta phải làm gì? Vì con người ấy làm nhiều sự lạ. Nếu cứ để như vậy, mọi người sẽ tin vào ông ta và quân Rôma sẽ đến hủy diệt nơi thánh và dân tộc ta”. Lý luận của người Do Thái không tin thật lộn xộn: Dân chúng tin theo Chúa là việc tôn giáo, quân Rôma đến phá hủy là việc chính trị, làm sao việc tôn giáo lại kéo theo hậu quả chính trị như thế được. Vả lại chính quyền Rôma lúc đó cho người Do Thái được tự do hành đạo, và chính Tổng trấn Philatô sau này cũng đâu muốn kết án Chúa vì lý do tôn giáo. Người Do Thái đã phải tố cáo Chúa về tội chính trị: xúi dân làm loạn, không nộp thuế cho Hoàng đế César. Thật là trớ trêu, nhưng Chúa đã không phản đối. Ngài chấp nhận một cái chết bất công để biến nó thành cái chết hy sinh cứu chuộc nhiều người.

Lạy Chúa Giêsu, những nhà lãnh đạo tôn giáo của Do Thái vì không tin vào Chúa, và họ sợ ảnh hưởng của Chúa sẽ làm cho dân chúng theo Chúa, nên họ tìm cách giết Chúa, họ gán cho Chúa tội làm chính trị. Xin Cho chúng con noi gương Chúa biết chấp nhận những đố kỵ, cả hận thù từ kẻ không thích chúng con là những người mang danh Kitô hữu. Amen