Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

HÃY TRỞ NÊN NHƯ TRẺ NHỎ




Hãy trở nên như trẻ nhỏ
Thứ bảy tuần VII TN
Lời Chúa : Mc 10,13-16
13 Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. 14 Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. 15 Thầy bảo thật anh em : Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” 16 Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.
Suy niệm 
Đọc Tin Mừng hôm nay ta thấy Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ bài học: muốn vào nước Thiên Chúa, phải có tinh thần thơ ấu, đón nhận nước Thiên Chúa với thái độ đơn sơ và chân thành như trẻ nhỏ.
Người Do thái có thói quen đến với những người có uy tín để được chúc lành. Ở đây Chúa Giêsu được nhìn nhận như người mang đến sự lành. Vì thế người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu để Ngài chúc lành cho các em. Trẻ em ở đây được hiểu như là những kẻ bé mọn về thể lý: trẻ nhỏ; bé mọn về tinh thần. Một người có tâm hồn của trẻ nhỏ tức là một người đơn sơ, phó thác sẽ dễ dàng đón nhận những giáo huấn của Chúa.
 Thế nhưng ở đây, các tông đồ đã đại diện cho lề luật để ngăn cấm các cha mẹ khi họ đem con đến với Chúa Giêsu.
Thái độ của Chúa Giêsu thế nào ? Ngài đã bực mình thực sự, Ngài phản đối thái độ loại trừ của các tông đồ, và lên tiếng bênh vực trẻ em : cứ để trẻ nhỏ đến với thầy, và hơn nữa, Ngài đề cao trẻ em như là gương mẫu cho những ai muốn vào Nước trời : Vì Nước Trời là của những ai nên giống như chúng.
Vâng, tất cả mọi người đều được mời gọi vào Nước trời, chỉ với một điều kiện là sống tin yêu phó thác nơi cha trên trời và quảng đại đón nhân mọi người như anh em con cùng một Cha, mà trẻ em có đủ những đức tính mà Chúa Giêsu đòi hỏi. Nhưng trên thực tế, trong đời sống con người, chúng ta đã thích làm một người lớn để loại trừ nhau. Như các tông đồ trong bài Tin mừng, chúng ta nhân danh nhiều thứ để ngăn cản người khác đến với Chúa, nhân danh việc bảo vệ luật lệ, kỷ cương, bảo vệ Giáo hội.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có một tinh thần trẻ thơ để biết mở rộng vòng tay đón nhận và trao ban, mở rông con tim để yêu thương cảm thông với mọi người, Nhờ đó, chúng ta xây dựng Giáo hội thành Gia đình của Thiên Chúa, nên dấu chỉ tình yêu và hy vọng cho thế giới hôm nay. Amen.

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

YÊU THƯƠNG VÀ CHUNG THỦY



Yêu thương nhau
Thứ Sáu Tuần VII Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mc 10,1-12
1 Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ. 2 Những người biệt phái đến gần và hỏi thử Người rằng: "Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?" 3 Người đáp: "Môsê đã truyền cho các ông thế nào?" 4 Họ thưa: "Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị". 5 Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: "Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. 6 Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. 7 Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, 8 và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. 9 Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ".
10 Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. 11 Và Người bảo các ông: "Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. 12 Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình".
Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay dễ dàng gợi lên trong tâm trí các Kitô hữu một thực tế đáng buồn về đời sống gia đình Việt Nam: những tập tục quý báu bị bỏ rơi, cha mẹ – con cái hoặc vợ – chồng thường lục đục, sự bất trung trong hôn nhân ở mức báo động ngay cả nơi các gia đình Công giáo, trào lưu sống thử cũng đã được các Kitô hữu trẻ ưa chuộng… Thực trạng này làm nảy sinh xu hướng coi thường giá trị linh thánh trong hôn nhân mà Thiên Chúa đã tác hợp giữa người nam và người nữ.

Trong bài Tin Mừng ta vừa đọc, ta thấy có một số người Phariseu đặt câu hỏi với Chúa “ người ta có được phép li dị vợ mình không ? ”. Để tìm câu trả lời cho vấn nạn trần trụi về những gì thâm sâu nhất của con người, ta hãy quan sát những gì đang diễn ra giữa Chúa Giêsu và mấy người Pharisêu: Ngài cho biết nguyên nhân của phép ly dị mà Môsê đã truyền dạy chính là sự chai lòng cứng dạ của họ; giải pháp của Môsê hoàn toàn không phải là lệnh truyền, mà chỉ là một lời dạy, một nhân nhượng vì lý do nhân đạo. Rồi Chúa Giêsu dùng Kinh Thánh để tái xác minh nguồn gốc, giá trị và bản chất của hôn nhân: Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.

Cho đến bây giờ, Giáo hội vẫn trung thành với xác tín của mình và dạy con cái thành tâm đón nhận, tuân giữ rằng Chính Chúa thiết lập, quy tụ, chúc lành, và nuôi dưỡng tình yêu hôn nhân. Sự chung thủy và bền vững của hôn nhân nằm trong thánh ý và kế hoạch toàn mỹ của Thiên Chúa. Đôi vợ chồng hoàn toàn có thể đi đến cùng của giao ước hôn nhân nếu họ biết tháp tình yêu của họ vào với Tình Yêu Chúa, có như vậy thì tình yêu trong hôn nhân mới bền vững, vì có Chúa hiện diện trong hôn nhân đó.


Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã thiết lập ra bí tích Hôn Phối là để nối kết người nam và người nữ với nhau. Cũng nói lên Tình yêu của Chúa và Giáo hội. Xin ban cho chúng con những ai đang sống trong bậc hôn nhân và cả những ai đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân luôn nhận ra tính chất linh thánh của hôn nhân, để biết đem đến cho nhau hạnh phúc ở đời này. Amen.

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

ĐỪNG LÀM CỚ VẤP NGÃ CHO NGƯỜI KHÁC



Gương sáng
Thứ Năm Tuần VII Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mc 9,41-50
41 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai cho các con (uống) một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, thật Thầy bảo các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. 42 Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.
43 "Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. 44-45 Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. 46-47 Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, 48 nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt. 49 Vì mọi người sẽ bị ướp bằng lửa.
50 "Muối là vật tốt, nhưng nếu muối ra lạt, các con lấy gì mà ướp nó cho mặn lại được? Các con hãy có muối ở trong mình và sống hoà thuận với nhau".
Câu chuyện minh họa:
Một ông vua nước Tây Ban Nha say mê một chị nữ tu rất thánh thiện dòng Thánh Đôminicô. Dù đã nhiều lần nói với nhà vua: “Thà chết chị chẳng thà mất lòng Chúa”, nhưng chị vẫn lo sợ say mê quá nhà vua có thể lập mưu kế làm hại linh hồn mình.
Van xin và cậy người can gián cũng vô hiệu, sợ hại đến thân và ô nhục lây cho nhà dòng, sau khi cầu nguyện lâu ngày, chị tự bảo: “ừ, được rồi, nhà vua đã nói đôi mắt của ta là đôi mắt bồ câu, là nam châm thu hút ruột gan của vua, thế thì tôi có thể biếu hẳn ông đôi mắt đó”.
Nói đoạn, chị liền đi lấy một cái chén nhỏ. Trước khi móc mắt tặng nhà vua, chị viết mấy dòng chữ: “Tâu Hoàng Thượng, đây cặp mắt Ngài thích nhìn xem. xin Ngài nhận và đừng sợ hãi gì. Khi trước ở xa nó vẫn cám dỗ và nung đốt ruột gan Ngài thì nay ở gần bên cạnh, tôi mong nó sẽ dập tắt lửa dục tình Ngài đi. Tôi chỉ xin một ơn là Ngài thừa nhận tình ái mù quáng và từ nay vui lòng giữ lấy cặp mắt đó và để cho Chúa Giêsu trót cả trái tim tôi”.
Viết xong, người trinh nữ can đảm lấy dao nhọn khoét mắt mình ra, đặt vào chén con mắt đang đẫm máu rồi gửi cho ông vua si tình.
Suy niệm:
Chị nữ tu thà hy sinh cái đẹp nhất của chị mà được Thiên Chúa vì chị đã cảm nhận tình yêu Chúa thì quý giá hơn mọi sự. Ai trong chúng ta cũng có những cớ để người khác phải vấp ngã dù vô tình hay cố ý, những lời nói, hành động, suy nghĩ… của chúng ta. Vì thế chúng ta cần cân nhắc và làm chủ chính mình. Được vào Nước Thiên Chúa thì quý giá hơn muôn vàn điều chúng ta từ bỏ.
Trước mặt Chúa chúng ta hãy xét xem điều chúng ta cần “chặt” đi là thứ gì?
Lời nói mở đầu bài Tin Mừng hôm nay của Đức Giê-su mang lại cho chúng ta nhiều an ủi. Thật vậy, một quà tặng rất nhỏ, là một “chén nước”, mà chúng ta trao ban cho những người thuộc về Đức Ki-tô, cũng được Chúa ghi nhận, coi trọng, và sẽ làm cho sinh hoa trái kết quả: “người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Và vì đó là “phần thưởng” đến từ Đức Ki-tô, con Thiên Chúa, nên sẽ tồn tại mãi mãi.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Đức Giê-su lại nói về những hình phạt, những hình phạt thật nặng nề:
Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.
Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi…
Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi…
Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi…
Lời của Đức Giê-su thật là triệt để với những ai và với những gì làm cớ cho người người khác sa ngã, nhất là những người bé mọn. Bởi vì, làm cớ cho người khác sa ngã là hành động của Con Rắn, của Satan.
Lạy Chúa Giêsu, những gương mù gương xấu trong xã hội ngày nay rất nhiều, xin cho chúng con khôn ngoan tránh xa dịp tội, nhưng quan trọng hơn là không làm cớ để người khác vấp phải. Amen


Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

ĐỒNG CỘNG TÁC



Đồng cộng tác
Thứ Tư Tuần VII Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mc 9,38-40
38 Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăn cấm y". 39 Nhưng Chúa Giêsu phán: "Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. 40 Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con".

Suy niệm 

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giêsu dạy các Tông đồ phải có tinh thần cởi mở và bác ái.
 Lời phản ứng của Gioan ở đây là một phản ứng mang tính giữ độc quyền. Ông muốn giữ quyền lực của Đức Giêsu cho riêng mình và cho nhóm Mười Hai. Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.”
Đức Giêsu bảo các môn đệ không được làm như vậy, vì ai đã nhân danh Chúa mà làm phép lạ thì đó là do ơn Chúa ban. Vì những người đó dù không chung sống với nhóm các môn đệ thì cũng là bạn đồng chí của các ông. Việc Đức Giêsu ngăn cấm các môn đệ không được hẹp hòi, kỳ thị đối với những người không cùng trong nhóm với các ông, đã cho các ông một bài học: không nên nhìn con người theo vẻ bên ngoài nhưng phải thấy ý hướng bên trong của họ. Nếu không, vô tình các ông đã dập tắt thiện ý của họ.
Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ mà cách gián tiếp cũng là cho mọi Kitô hữu bài học về tính bao dung và sự hợp tác với mọi người. Người đời thường có óc bè phái, ích kỷ. Chỉ lo bảo vệ quyền lợi, danh dự của nhóm mình. Và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phương châm của họ là “ai không theo ta tức là nghịch với ta”. Chúng ta cũng thường nhìn người khác với một cái nhìn nghi ngờ và khắt khe “họ không ủng hộ tôi tức là họ chống đối tôi”. Do cái nhìn ấy, nếp sống ấy nên chúng ta trở nên bi quan và khép kín. Hôm nay Chúa dạy chúng ta một cái nhìn rất bao dung và rất lạc quan “ai không chống đối các con là ủng hộ các con”. Chắc chắn với cái nhìn này đời sống của chúng ta sẽ vui tươi hơn và sẽ thoải mái hơn trong công việc được giao phó.


Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cái nhìn bao dung như Chúa, để chúng con không coi mình là hơn nhất là trong công việc loan báo Tin mừng, vì đó là bổn phận của mọi Kitô hữu. Amen.

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ




Khiêm nhường phục vụ
Thứ Ba Tuần VII Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mc 9,30-37
30 Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. 31 Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
33 Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" 34 Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.
35 Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". 36 Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: 37 "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy". 
Suy niệm 

Đức Giêsu giáo huấn các Tông đồ nhiều điều trước khi chịu thương khó, tử nạn và phục sinh. Bài tin mừng hôm nay Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai về sự thương khó mà Ngài sắp phải chịu cho các Tông đồ biết. Nhưng các ông không hiểu, bởi vì các ông đang bận tâm xem ai sẽ là người làm lớn trong nước của Chúa. Nhân cơ hội này Đức Giêsu dạy các Tông đồ cách thức sống xứng đáng là người môn đệ của Đức Giêsu là sống phục vụ trong khiêm nhường.

Hôm nay Chúa Giêsu đã dạy chúng ta bài học về khiêm nhường. Trong Nước Trời đừng ai để ý tới địa vị lớn nhỏ, mà điều phải để ý là phục vụ. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta trong bữa tiệc ly. Mặc dù là thầy là Chúa nhưng Ngài đã hạ mình rửa chân cho các môn đệ. Để mở mang Nước Trời ở trần gian này, mỗi người chúng ta phải trở thành những trẻ nhỏ, những đầy tớ. Càng có chức cao thì càng phải khiêm nhường phục vụ. Chỉ có khiêm nhường phục vụ thì người khác mới thấy được sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống của chúng ta. Và chỉ có sự phụng vụ trong khiêm nhường chúng ta mới có thể hy vọng nước Chúa sẽ được mở rộng ở trần gian này.


Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con thấm nhuần tinh thần của Chúa khi ở trần gian này là phục vụ trong khiêm nhường. tinh thần của phục. Xin cho chúng con biết sẵn sàng phục vụ, lấy phục vụ làm niềm vui và lẽ sống của cuộc đời. Amen.

XIN BAN ĐỨC TIN




XIN BAN ĐỨC TIN

Thứ hai 24/2/2014
Lời Chúa Mc 9, 13-28

“Lạy Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp đức tin hèn kém của tôi”.

Khi ấy, Chúa Giêsu (từ trên núi xuống) và đến cùng các môn đệ, Người thấy một đám đông vây quanh các ông và những luật sĩ đang tranh luận với các ông.
Vừa thấy Người, tất cả đám đông kinh ngạc, họ sợ hãi và chạy đến chào Người. Và Người hỏi họ rằng: “Các ngươi tranh luận gì với nhau đó?” Một người trong đám đông trả lời rằng: “Lạy Thầy, tôi đem đến cùng Thầy đứa con trai tôi đang bị quỷ câm ám. Quỷ đột nhập vào nó bất kỳ ở đâu thì vật nó ngã xuống đất và nó xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ ra. Tôi đã xin các môn đệ Thầy trừ quỷ, nhưng họ bất lực”. Người đáp lại: “Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ? Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho Ta”. Và người ta đem nó đến.
Vừa thấy Chúa Giêsu, quỷ liền dằn vặt đứa bé dữ dội, đứa bé ngã ra, xùi bọt mép, lăn lộn trên đất. Chúa Giêsu hỏi cha nó rằng: “Nó bị như thế từ bao giờ?” Ông ta đáp: “Thưa từ lúc bé! Quỷ thường xô nó vào lửa, vào nước để giết nó. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp chúng tôi”. Chúa Giêsu nói với ông: “Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được”. Tức thì cha đứa bé khóc lóc kêu lên: “Thưa Thầy tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi”. Chúa Giêsu thấy đám đông tuôn đến, Người nạt thần ô uế rằng: “Hỡi thần câm điếc, Ta truyền cho mi: hãy xuất ra khỏi nó và không được nhập vào nó nữa”. Sau khi kêu thét và dằn vật đứa trẻ dữ dội, quỷ xuất khỏi nó và đứa trẻ ra như chết, khiến đám đông nói: “Nó chết rồi”. Nhưng Chúa Giêsu cầm tay nó nâng dậy và nó đứng lên.
Khi Chúa vào trong nhà, các môn đệ hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con lại không thể trừ được nó?” Người đáp: “Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay”.

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại câu chuyện Đức Giêsu trừ quỷ và chữa lành bệnh động kinh cho một em nhỏ. Từ trên núi xuống, Đức Giêsu và ba môn đệ thân tín thấy dân chúng quây quần chung quanh chín môn đệ kia và thấy các kinh sư đang tranh luận với các ngài về việc các môn đệ bất lực không trừ quỷ để chữa lành cho một em bé bị quỷ ám và bị động kinh.

Mỗi người chúng ta hãy xét lại niềm tin của mình đối với Chúa. Chúng ta có hết lòng tin tưởng Chúa và phó dâng cho Ngài tất cả đời sống của chúng ta chưa? Hay chúng ta còn có thái độ nghi ngờ “nếu Thầy có thể“.
Tin là điều kiện đầu tiên và thiết yếu cho những người muốn được hưởng phép lạ phải có. Nhưng tin không phải chỉ là chấp nhận một lần, rồi sau đó, đem cất kỹ vào trong một góc nào đó trong đời sống, để chờ khi nào cần đến thì mới đem ra. Không, Đức Tin là một thực thể sống động, nó luôn cần phải được làm mới, bằng phương cách cầu nguyện và ăn chay. Chính vì thế, các tông đồ không trừ được quỉ trong trường hợp này, vì các ông thiếu sự cầu nguyện và ăn chay.
Cầu nguyện  là phương cách làm cho Đức Tin của chúng ta luôn được mạnh mẽ; vì cầu nguyện chính là tâm giao với Chúa. Trong những giờ phút tâm giao đó, quyền năng của Thiên Chúa được thông ban cho chúng ta. Chính quyền năng đó sẽ giúp chúng ta chiến thắng sự dữ.

Lạy Chúa xin cũng cố niềm tin còn yếu cho chúng con. Xin cho chúng con biết siêng năng cầu nguyện và ăn chay để có thể chiến thắng những cám dỗ của ma quỷ. Xin cho chúng con ý thức đức tin là quà tặng của Thiên Chúa, và ban cho chúng con sức mạnh để chiến đấu với những cám dỗ của ma quỷ để giữ vững đức tin của mình. Amen.

***

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ



Hãy yêu thương kẻ thù

Chúa nhật 23/3/2014
Lời Chúa: Mt 5, 38-48
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe bảo: 'Mắt đền mắt, răng đền răng'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ.
"Các con cũng đã nghe dạy rằng: 'Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những người thu thuế không làm như vậy ư? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành". Đó là lời Chúa.
Suy niệm
Tích xưa kể rằng: Hàn Tín thời Hán Cao Tổ, thuở hàn vi phải đi câu cá đổi gạo mà ăn. Thế mà có những lúc không đủ ăn. Có bà thợ giặt cảm thương đã mời Hàn Tín đến dùng cơm tại nhà. Hàn Tín đi đâu cũng mang thanh gươm kè kè bên mình.
Một hôm, có tên đồ tể Ác Thiểu muốn hạ nhục Hàn Tín, chận đường thách:
Chú thường mang gươm, chả biết để làm gì! Bây giờ tôi không cho chú đi. Chú có gan thì sẵn thanh gươm đó hãy chém tôi đi, bằng không thì phải lòn trôn tôi mà đi.
Hàn Tín chẳng chút do dự, lòn trôn tên hạ tiện đó mà đi, vì tự nhủ: "Giết thằng này thì được rồi, nhưng mà lấy mạng mình đổi mạng nó, thì không đáng tí nào!"
Sau Hàn Tín nhờ có công giúp Hán Cao Tổ dựng nước mà được phong làm Vua Tam Tể. Lúc bấy giờ, Hàn Tín bèn mời bà thợ giặt đến biếu nghìn lạng vàng để tạ ơn. Rồi không những không thèm trả thù tên đồ tể mất dạy xưa, lại phong cho hắn chức Trung Huý. Ác Thiểu rất ngạc nhiên, khúm núm nói: "Lúc trước tôi ngu lậu thô bỉ, đã dại dột xúc phạm đến oai nghiêm ngài, nay tội ấy được tha chết là may, còn dám mong đâu ban chức tước?
Hàn Tín ôn tồn bảo: "Ta chẳng phải là kẻ tiểu nhân hay cố chấp, đem lòng thù hận. Hành động của ngươi ngày xưa tuy quá đáng, nhưng cũng là bài học luyện chí cho ta. Vậy nhà ngươi chớ tị hiềm mà hãy nhận chức ta ban".
Lối báo đền ân oán của Hàn Tín thật là hay. Đối với người ân thì ban thường, song đối với người oán cũng vẫn ban thưởng chớ không trả thù. Thật là một người quân tử.

Bài Tin mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu đã kiện toàn lề luật . Trái với luật Môisê là cho phép kẻ nào làm hại mình thì có quyền đáp trả “ răng đền răng, mắt đền mắt ”, thì Ngài lại dạy chúng ta phải yêu thương kẻ thù và hãy cầu nguyện cho kẻ bách hại mình.
Khi nghe những lời Chúa Giêsu dạy: “Hãy yêu kẻ thù”, chúng ta thường cho rằng đó là chuyện không thể làm nổi. Yêu đã là khó, yêu kẻ thù lại càng là vấn đề nan giải, nhưng đó lại là cốt lõi của Đạo Thiên Chúa. Điều này, đòi hỏi chúng ta một tấm lòng cao thượng, vượt ra khỏi cái tôi ích kỷ và kiêu căng, và phải can đảm biết bao, nhất là phải cầu nguyện. Yêu kẻ thù là dấu chỉ con cái Thiên Chúa, lý do là vì kẻ thù cũng là đối tượng của tình yêu Chúa. Yêu kẻ thù không phải là hành vi của một kẻ yếu nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng, như câu chuyện của  Hàn Tín trên cũng đáng để chúng ta học hỏi. Chúa Giêsu mời gọi: không những yêu thương tha thứ, mà còn tiến xa hơn nữa là cầu nguyện cho kẻ thù, ước mong mọi điều tốt đẹp cho họ, noi gương Cha trên trời, Người ban phát ơn lành cho mọi người, không phân biệt lành dữ...
Nhưng ngày nay chung quanh ta,kẻ thù của ta là ai? Là kẻ ghét ta, kẻ xúc phạm đến ta, đến danh dự và quyền lợi của ta vv... Tin Mừng mời gọi mỗi người chúng ta vượt lên trên lối sống tự nhiên theo thói thường, để mặc lấy tâm tình của người con Thiên Chúa, sống nhân hậu, bao dung như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải yêu thương kẻ thù và tha thứ cho kẻ làm hại mình thì quả là khó, nhưng với ơn Chúa giúp chúng con nguyện cố gắng vượt qua những rào cản dẫn đến việc thực thi lòng bác ái đó là những tị hiềm, khinh bỉ và thù hâncủa chúng con. Amen.

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ



Lập Tông Tòa Thánh Phêrô

Thứ bảy 22/2/2014
Tin Mừng (Mt 16, 13-19)

“Con là Đá, Cha sẽ trao cho con chìa khoá nước trời”.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến miền Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một trong các tiên tri!” Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”.

Suy niệm
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật việc ông  Phêrô tuyên xưng  Chúa Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúa Giêsu trả lời: “Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16, 16.18). Giáo hội hôm nay cử hành lễ kính tông tòa thánh Phêrô và cũng là lễ để tôn vinh Đức Giáo Hoàng, vị kế nhiệm thánh Phêrô dưới trần gian, cai trị, điều khiển Giáo hội hoàn vũ.

 “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời.” (Mt 16,19)
 Phêrô hẳn đã quá đỗi kinh ngạc bởi vì chỉ từ một lời tuyên xưng Đức Giêsu Nadarét, một con người bằng xương bằng thịt, là Con Thiên Chúa hằng sống, mà ông được Chúa Giêsu khen tặng “là người có phúc” vì đã được “Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” mạc khải những điều cao trọng; ông lại lại còn được Ngài trao cho sứ mạng trọng đại là trên con người mỏng dòn của ông, Ngài sẽ xây Hội Thánh của Ngài bền vững đến độ “quyền lực tử thần cũng không thắng nổi”. Ngài trao chìa khóa Nước Trời cho ngư phủ Phêrô với toàn quyền cầm buộc hay tháo cởi, có hiệu lực cả trên trời cũng như dưới trần gian này. Tất cả những điều đó là ân ban và đồng thời cũng là sứ mạng mà Thiên Chúa kêu mời Phêrô đáp trả với lòng tri ân và tinh thần trách nhiệm.

Khi đọc đoạn Tin mừng này cho thấy. Sự trao ban của Chúa Giêsu diễn tả một niềm tin tưởng, một niềm hy vọng và một tình yêu bao la. Thiên Chúa đã ban cho Phêrô ân sủng để Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu trao cho Phêrô sứ mạng cai quản. Nhờ sự trao ban này mà từ một con người ngư phủ bình thường, Phêrô trở nên con người đảm trách sứ mạng cao cả : Cai quản Hội Thánh.

Khi tôi được sinh ra và khi tôi lãnh nhận Bí tích thanh tẩy là tôi đã được trao ban những ân huệ của Thiên Chúa, trong đó có ơn phải trở nên chứng nhân cho Chúa . Và hiện tại, Chúa cũng trao cho tôi sứ mạng trong ơn gọi và cuộc sống của tôi. Chắc chắn rằng Thiên Chúa cũng gởi gắm nơi tôi một tình yêu, một niềm tin và hy vọng..

Lạy Chúa, xin cho con biết trân trọng những ân huệ Chúa ban và xin cho con biết chu toàn bổn phận mỗi ngày để con sống xứng đáng với sự mạng chúa trao ban. Và cũng xin cho con biết đón nhận và sống trao ban cho để đời sống của con đem lại ích lợi cho mình và cho tha nhân. Amen.

***

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

THEO CHÚA




Theo Chúa

Thứ Sáu Tuần VI Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mc 8,34–9,1
8 34 Khi ấy, Chúa Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 36 Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? 37 Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình? 38 Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người."
9 1 Chúa Giêsu còn nói với họ: "Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực."
Suy niệm
Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở và là một lời xác quyết về đời sống của người môn đệ của Chúa. Muốn theo Chúa, tôi phải bỏ mình, phải vác thập giá mà theo.
 Bỏ mình, là bỏ đi ý riêng, bỏ đi những đam mê bất chính, những gì không phù hợp với đời sống của người môn đệ của Chúa để làm theo ý Chúa, làm đúng ý Chúa muốn.
Vác thập giá, là tôi thi hành bổn phận, công việc của mình mỗi ngày theo Lời Chúa dạy và theo luật Chúa truyền. Đó là chấp nhận những hy sinh, những gian khó trong cuộc sống cốt để làm chứng nhân Tin Mừng của Chúa.
Đây là một thách đố trong cuộc đời của tôi,  Chúa cho tôi có tự do để chọn lựa, hoặc theo lối sống thoải mái theo ý mình với đầy dẫy những cám dỗ lôi kéo tôi sống trái với ý Chúa, hoặc đi theo Chúa với việc chấp nhận những hy sinh, thử thách gian khổ. “ Ai muốn theo Ta,hãy từ bỏ mình,  vác thập giá mình mà theo Ta ”. Điều này nghe có vẻ nghịch tai với nhiều người, nhưng đối với nhửng ai muốn làm môn đệ của Chúa thì đó lại là một hồng ân, vì kẻ đó không sợ mất sự sống đích thật trên Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ý chí sắt đá và lòng quyết tâm vững mạnh để con biết gạt bỏ những điều cản trở con trở thành môn đệ của Chúa, để con can đảm hy sinh những cái thuộc ý riêng của mình, vác thập giá mình theo Chúa. Amen.

***

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

BIẾT SỨ MẠNG CỦA CHÚA GIÊSU



Biết sứ mạng của Chúa Giêsu
Thứ Năm Tuần VI Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mc 8,27-33
27 Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là ai?" 28 Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri". 29 Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Đấng Kitô". 30 Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. 31 Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. 32 Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. 33 Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".

Suy niệm
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sau một thời gian dài đi theo và nghe Đức Giêsu giảng dạy, các môn đệ vẫn còn mù mờ về con người và căn tính của Thầy mình. Thấy vậy Đức Giêsu liền ra một câu hỏi để thăm dò “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông lần lượt trả lời theo dư luận xung quanh “Thầy là Gioan Tẩy Giả, là Êlia hay một ngôn sứ vừa xuất hiện. Đức Giêsu nhận thấy các đáp án đều sai và chưa đi vào câu hỏi chính. Người chờ đợi một đáp án cuối cùng liền hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Phêrô đại diện cả nhóm trả lời “Thầy là Đấng Kitô”.

Bấy giờ Đức Giêsu mới bật mí cho các ông biết về sứ mạng của Đấng Kitô sẽ phải chịu người ta chống đối, khủng bố, nhục mạ, bị đóng đinh chết và sẽ sống lại sau ba ngày. Để chuẩn bị cho các môn đệ chấp nhận được cái giá phải trả khi theo Thầy, Đức Giêsu muốn các ông xác tín rõ ràng về con người mà các ông đi theo. Con Người sẽ chịu mất mát, chịu thua thiệt một cách đớn đau nhục nhã. Nghe vậy, Phêrô cảm thấy sốc, vì ông nghĩ Đức Kitô theo cái nhìn của con người bình thường, ông nghĩ Ngài phải là Đấng có thể đem lại ích lợi cho dân Do Thái như là một Đấng giải phóng cho dân khỏi sự áp bức của Đế quốc Roma, và trong đó các môn đệ cũng được hưởng lợi, ông không chấp nhận được số phận nghiệt ngã ấy nên can ngăn Thầy dừng bước. Đức Giêsu liền quở trách Phêrô vì tư tưởng của ông như “kỳ đà cản mũi” bước đường cứu chuộc của Người.
Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”Câu hỏi này không chỉ dành cho các môn đệ nhưng cũng được dành  cho mỗi người chúng ta. Chúng ta sẽ trả lời với Chúa qua cung cách phục vụ và yêu thương của chúng ta. Chúa có là đối tượng để chúng ta tìm kiếm và bước theo, hay Chúa cũng chỉ là một diễn viên đang ăn khách trên màn ảnh sân khấu, một nhân vật của của thời đại được nhiều người ngưỡng mộ. Thầy là ai trong cuộc đời của bạn. Chúa là ai trong suy nghĩ, trong thâm sâu cõi lòng bạn. Chúa vẫn đợi chờ câu trả lời cuối cùng của mỗi chúng ta. Hơn thế nữa, Chúa còn muốn chúng ta nói cho thế giới biết Chúa là ai?

Lạy Chúa Giêsu, biết bao lần con cũng nhận được câu hỏi ấy, nhưng con không trả lời được vì còn phải vướng bận nhiều chuyện khác. Và con cũng khó chấp nhận phải trả giá vì Chúa, chịu những thiệt thòi, oan ức như Thầy mình. Xin cho con một lần nữa xác tín vào Chúa là Đức Kitô và can đảm bước theo dù phải chịu thiệt thòi và khổ đau. Amen.


Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

GIÁO XỨ AN PHÚ HỌC HỎI VÀ HỘI THẢO VỀ NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH



LÀM BÀI PHÓNG SỰ

Điền vào những chỗ trống dưới đây:
Đề tài phóng sự:
Sự kiện chính (What):
VIẾT TIN NÓNG VỚI SỰ KIỆN CHÍNH
Mở bài:
-          What: Giáo Xứ An Phú học hỏi và hội thảo Năm Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình
-          When: Lúc 8 giờ 30 ngày Chúa Nhật thứ IV Mùa Vọng Năm A ( 22/12/2013 )
-          Where: Tại Thánh đường Giáo xứ An Phú ( Giáo Hạt Tân Định )
Thân bài:
-          Who: Thuyết trình viên Nữ tu Teresa Ngọc Lễ OP ( dòng Nữ Đaminh Thánh Tâm )
-          How: Nói về Sứ vụ loan báo Tin Mừng và Tân Phúc Âm Hóa đời sống gia đình trong thời đại hiện nay.
-          Trích dẫn (câu nói của nhân vật quan trọng): “ Đưa mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm Hóa ”.
-          Why: Vì thực trạng đời sống gia đình trong xã hội bị đảo lộn và xuống cấp trầm trọng nên cần để Lời Chúa thánh hóa và phục hồi lại giá trị đạo đức, hạnh phúc cho mọi gia đình, nhất là gia đình Kitô hữu.
Kết bài:
-          Sự kiện kết thúc lúc nào, như thế nào: Sự kiện kết thúc lúc 11 giờ 30 bằng việc thảo luận và đúc kết về đề tài đã nêu, và sau đó là cộng đoàn dâng lên Chúa giờ Chầu Thánh Thể.
-          Bối cảnh (Được biết…):
CHUYỂN TIN NÓNG THÀNH TIN MỀM
Sa pô (câu nói của nhân vật quan trọng): Như trong huấn từ Đức Thánh Cha Phanxico nhắn gởi các gia đình “ một lời của Chúa Giêsu : Chúa phán: Hỡi các gia đình trên toàn thế giới, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho các bạn nghỉ ngơi và niềm vui của các bạn sẽ toàn vẹn. Hãy mang lời đó của Chúa Giêsu trong nhà các bạn, trong trái tim các bạn, hãy chia sẻ trong gia đình. Ngài mời chúng ta đến với Ngài, để chúng ta tự hiến, để chúng ta trao ban niềm vui cho mọi người ”... Và để thành các gia đình truyền giáo: “ trong cuộc sống thường nhật hãy thi hành bổn phận hằng ngày, nhưng bỏ muối và men đức tin vào mọi việc ” x. CTC Phanxico. Bài chia sẻ trong ngày gặp gỡ các gia đình hành hương Roma, 28/10/2013.

Mở bài:
-          Who (nhân vật chính): Nữ tu Teresa Ngọc Lễ OP ( dòng Nữ Đaminh Thánh Tâm )
-          What:  Về đề tài : Tân Phúc Âm Hóa đời sống gia đình.
-          When: lúc 8 giờ 30 ngày Chúa Nhật thứ IV Mùa Vọng Năm A ( 22/12/2013 )
-          Where: Tại thánh đường Giáo xứ An Phú ( Giáo Hạt Tân Định )
Thân bài:
-          Who:  Cho cộng đoàn giáo xứ
-          How: Học hỏi và hội thảo về Năm Tân Phúc Âm Hóa đời sống gia đình
-          Trích dẫn (câu nói của nhân vật quan trọng): “ đưa dẫn mọi người vào_cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm ” x. Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 10/10/2013, số 3.
-          Why: Vì thực trạng đời sống các gia đình hiện nay đang bị đe dọa và xuống cấp do ảnh hưởng trào lưu của cuộc sống xã hội lôi kéo. Nên cần giúp các gia đình lấy lại giá trị đạo đức, luân lý đã mất.
Kết luận:
-          Sự kiện kết thúc lúc nào, như thế nào: Sự kiện đã kết thúc lúc 11 giờ 30, bằng việc đúc kết nhửng ý kiến đã thảo luận và chia sẻ. Và với việc dâng lên Chúa giờ Chầu Thánh Thể.
-          Bối cảnh (Được biết…):
CHUYỂN TIN MỀM THÀNH PHÓNG SỰ

Sự kiện chính:  Buổi học hỏi và hội thảo về đề tài Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình
Những sự kiện phụ:
Những nhân vật nhắm đến: Mọi gia đình giáo dân trong giáo xứ
Mặt sáng: giúp mọi gia đình ý thức sống động hơn về tự do cá nhân; chú ý nhiều hơn đến phẩm chất của các tương quan liên vị trong hôn nhân, nâng cao phẩm giá phụ nữ, sinh sản có trách nhiệm, quan tâm đến giáo dục trẻ em về tinh thần lẫn vật chất, tái khám phá lại sứ mạng Hội Thánh riêng biệt của gia đình và trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng một xã hội công bằng hơn.
Mặt tối: bóng tối và những đe dọa, thách đố với gia đình trong nền văn hóa hôm nay : đức tin vào tính bí tích của hôn nhân và sức mạnh hàn gắn của Bí Tích Sám Hối cáng ngày càng yếu đi hoặc hoàn toàn bị loại bỏ, sự suy đồi giá trị luân lý, quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập giữa vợ chồng, những tương quan uy quyền của cha mẹ trên con cái, vấn đề li dị gia tăng, sống thử trước hôn nhân, không tôn trọng, bảo vệ sự sống ( phá thai, ngừa thai ). Như vậy gia đình vắng bóng tình thương, sự hy sinh và yêu thương cho nhau.

Số liệu, thống kê: Việc li dị được thống kê như sau: ở VN 9,4 % ở đàn ông, và 1,3 % ở phụ nữ, 70 % đàn ông và 60 % phụ nữ đã từng ăn phở, cứ 3 gia đình thì có` 2 gia đình li hôn.

Nút thắt và gỡ nút:
Nút thắt : là do lối sống theo tính ích kỷ của bản thân, tự cho mình một trào lưu thoải mái, chủ nghĩa hưởng thụ, nghèo vể tri thức nên dễ bị lẫn lộn trong giá trị luân lý, sai đúng về lương tâm v.v..

Nút mở : đó là việc Hội Thánh quan tâm và mong mỏi tìm kiếm những phương thức giúp các gia đình tìm lại căn tính và giá trị cho đời sống gia đình bằng cách đặt nặng Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình, trong đó cái chính là đem lời Chúa vào giờ kinh nguyện của gia đình, để mong lời Chúa biến đổi và thánh hóa gia đình.
Ảnh hưởng của biến cố:
Liên quan đến thời đại:
Cảm xúc cần tạo nơi độc giả: Giúp độc giả đọc và hiểu về giá trị sống của gia đình

Lập trường và hướng giải quyết: giử vững niềm tin Kitô Giáo, siêng năng cầu nguyện và đem lời Chúa vào giờ kinh chung trong gia đình, và cả nơi cộng đoàn giáo xứ.